Ngày Quốc tế Lao động là ngày hội lớn của cả giai cấp  công nhân và Nhân dân lao động

Thứ Ba, ngày 30 tháng 4 năm 2024 - 17:30 Đã xem: 881

Ngày Quốc tế Lao động 01/5, là ngày lễ tại nhiều quốc gia, là ngày hội của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Từ nửa cuối thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa tư bản bước vào giai đoạn độc quyền, các nước công nghiệp như Anh, Pháp, Đức và Mỹ đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp. Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động. Mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Sự phát triển nhanh chóng này tạo ra một sự chênh lệch giai cấp sâu sắc, dẫn đến những cuộc đấu tranh giai cấp giữa vô sản và tư sản, nơi người lao động yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc. Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, C.Mác đã nhấn mạnh ý nghĩa và coi việc rút ngắn thời gian lao động là một nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Gieneve, Thụy Sĩ, tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh đòi ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khẩu hiệu Ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện ở một số nơi của nước Anh - nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất thế giới và lan rộng sang các nước khác [1]

Ngày Quốc tế Lao động được chính thức công nhận tại Đại hội thành lập Quốc tế thứ II vào ngày 14/7/1889, khi các đại biểu của giai cấp công nhân từ khắp nơi trên thế giới đã thông qua nghị quyết chọn ngày 01/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh toàn cầu của công nhân. Từ đó, ngày 01/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động, là ngày lễ tại nhiều quốc gia, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. 

Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, ngày 01/5/1890 lần đầu tiên, Ngày Quốc tế Lao động được kỷ niệm với quy mô thế giới. Công nhân ở các nước Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Ý và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít tinh, xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ Ngày làm 8 giờ, Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại.

Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động được đón nhận với tầm quan trọng đặc biệt, nhất là sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 03/02/1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân Việt Nam đã tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh cho quyền lợi lao động và chống lại áp bức thực dân. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, lễ kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 01/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân lao động cả nước sẽ được nghỉ một ngày hưởng nguyên lương. Từ đó, ngày Quốc tế Lao động 01/5 hằng năm là một trong những ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Ngày 01/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn người lao động [2].

Giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay phát triển mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, trình độ, tay nghề, bản lĩnh chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân thể hiện và khẳng định vị thế của người chủ đất nước, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước.

Giai cấp công nhân và Nhân dân lao động nước ta tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và giai cấp công nhân Việt Nam, nguyện đoàn kết, sát cánh cùng công nhân và Nhân dân lao động trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn Dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đỗ Hồng Thanh

1. BTGTW, TLĐLĐVN; Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động (01/5/1886 - 01/5/2021); Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hệ thống tư liệu Văn kiện Đảng; 05/4/2021

2 H.Hà, Kỷ niệm 137 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 – 1/5/2023), Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 01/5/2023.

 

 

 

 

 

Xem tin theo ngày:   / /